Tại sao phải đăng ký website với Bộ Công Thương?

Tại sao phải đăng ký website với Bộ Công Thương?

Nếu bạn đang có ý định thiết kế trang web riêng cho cá nhân, doanh nghiệp mình, chắc hẳn bạn đã được nghe nhắc đến thủ tục đăng ký website với Bộ Công Thương. Vậy, tại sao phải đăng ký website với Bộ Công Thương? Những loại hình website nào sẽ cần phải thực hiện thủ tục này? Quy trình đăng ký như thế nào? Chi phí đăng ký là bao nhiêu? Mời bạn cùng Khai trí tìm kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc này ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Lý do tại sao phải đăng ký website với Bộ Công Thương?

Tuân thủ đúng quy định của Bộ Công Thương

Dựa trên Nghị định số 52 / 2013 / NĐ – CP ban hành vào ngày 16/05/2013, thông tư số 47/ 2014/ TT – BCT ban hành vào ngày 05/12/2014, và Nghị định số 185/ 2013/ ND – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại ban hành vào ngày 15/11/2013, yêu cầu mọi website hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương, nếu không sẽ bị phạt từ 10 – 100 triệu đồng.

Nâng cao độ uy tín của website doanh nghiệp

Khi đã đăng ký thành công website với Bộ Công Thương, trang web của bạn sẽ được gắn logo dẫn đến đường link xác nhận trên trang của Bộ Công Thương đã đăng ký và thông báo thành công. Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín của website cũng như doanh nghiệp vì đã tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Công Thương.

Khẳng định thương hiệu

Khi trang web được đăng ký và thông báo với Bộ Công Thương nghĩa là website đã tuân thủ theo đúng những quy định do Bộ Công Thương ban hành, đồng thời cũng được Bộ Công Thương xác nhận những hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm đăng ký thông báo trên website của bạn là hợp pháp và được cho phép phân phối, quảng bá. Điều này sẽ giúp người dùng cảm thấy an tâm khi mua sắm và tin tưởng vào công ty, thương hiệu của bạn hơn.

Website nào cần phải đăng ký với Bộ Công Thương?

Trang bán hàng thương mại điện tử

Dựa vào mục 8, điều 3, Nghị định số 52 quy định website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được xây dựng nhằm phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động buôn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ thanh toán và các dịch vụ sau bán hàng.

Vì vậy, khi tạo website giới thiệu công ty, dịch vụ hay hàng hóa mà không bao gồm chức năng đặt hàng hay thanh toán trực tuyến thì vẫn phải thông báo với Bộ Công Thương.

Ví dụ: thegioididong.com, nguyenkim.com, yousport.vn,…

Các website thương mại điện tử

Các loại hình website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm:

  • Sàn giao dịch thương mại điện tử: là trang web thương mại điện tử cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
  • Sàn giao dịch thương mại điện tử trong trang web giao dịch chứng khoán online

Ví dụ: lazada.vn, chophien.com,…

  • Website khuyến mại trực tuyến: là trang web thương mại điện tử do cá nhân, tổ chức xây dựng nhằm mục đích thực hiện khuyến mại cho các hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức dựa theo các điều khoản trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

Ví dụ: adayroi.com, hotdeal.vn,…

  • Website đấu giá trực tuyến: là trang web thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép các cá nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu website vẫn có thể tổ chức đấu giá cho sản phẩm của mình trên đó.

Ví dụ: handheld.com.vn,…

Các ứng dụng di động bán hàng

Ứng dụng di động bán hàng là các ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do cá nhân, tổ chức thiết lập nhằm mục đích phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, buôn bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

App mobile thương mại điện tử

Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là những ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do cá nhân, tổ chức thiết lập nhằm cung cấp môi trường cho cá nhân và tổ chức khác tiến hành hoạt động thương mại, gồm có: ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến, ứng dụng khuyến mại trực tuyến.

Một số thông tin cần biết khi thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương

Dưới đây là một số những câu hỏi thường gặp khi mọi người có nhu cầu thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương, hãy cùng chúng tôi tìm kiếm lời giải đáp rõ ràng, chi tiết cho những thắc mắc này nhé!

Ai sẽ là người thực hiện việc thông báo website với Bộ Công Thương?

Cá nhân, thương nhân hoặc tổ chức sở hữu website không cung cấp các loại hình dịch vụ thương mại điện tử đã kể trên.

Khi nào phải phải thực hiện thông báo website với Bộ Công Thương?

Các cá nhân, thương nhân hoặc tổ chức cần nhanh chóng thực hiện thông báo website với Bộ Công Thương ngay khi trang web được hoàn thành thiết kế.

Thời gian đăng ký mất bao lâu?

Thời gian đăng ký nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào mỗi website (từ 1 – 3 tuần). Thỉnh thoảng sẽ có một số vấn đề khiến cho hoạt động đăng ký bị kéo dài như: chọn sai đối tượng, nộp thiếu hồ sơ, giấy tờ, phải điều chỉnh lại nội dung trên trang web cho phù hợp.

Chi phí thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương là bao nhiêu?

Hiện nay, việc thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương là hoàn toàn miễn phí.

Thủ tục, hồ sơ thông báo, đăng ký website với bộ công thương

Để đăng ký với Bộ Công thương hoàn thành thủ tục pháp lý về hoạt động và phát triển website, bạn cần chuẩn bị:

  • Trang web đang hoạt động hoặc chuẩn bị hoạt động trên hệ thống Internet.
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép đầu tư.
  • Giấy quyết định thành lập (đối với tổ chức, doanh nghiệp), giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với cá nhân).
  • Một số loại giấy tờ, hồ sơ khác tùy theo ngành nghề dịch vụ của nhà bán hàng.

Các trang chính sách

Bộ Công Thương yêu cầu nhà bán hàng phải đáp ứng các trang chính sách như sau:

  • Hướng dẫn đặt hàng, mua hàng.
  • Chính sách giao hàng, vận chuyển.
  • Hình thức thanh toán.
  • Chính sách bảo hành, đổi trả sản phẩm.
  • Chính sách bảo mật thông tin.

Thông tin trang web

Các nhà bán hàng cũng cần phải cung cấp đầy đủ những thông tin sau tại một vị trí bất kì ở cuối trang web, bao gồm: mã số thuế, số điện thoại, địa chỉ,…

Để thực hiện, nhà bán hàng tiến hành truy cập vào phần Thiết lập theme, chọn mục Trang chủ, tìm mục Footer/ Cuối trang, tìm kiếm phần thông tin website.

Kết luận

Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Tại sao phải đăng ký website với Bộ Công Thương?” cũng như hiểu rõ hơn về các thông tin, thủ tục liên quan đến hoạt động này. Mong rằng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức trong việc chuẩn bị hồ sơ để thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương cũng như nắm rõ quy trình để thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng dịch vụ dăng ký web với Bộ Công Thương của các công ty thiết kế website chuyên nghiệp.